Nứt đầu nhũ hoa triệu chứng và cách điều trị tại nhà
Nứt đầu nhũ hoa là tình trạng làm xuất hiện những vết nứt đau đớn trên da nhũ hoa và quầng vú. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai nhưng phổ biến nhất là ở phụ nữ mang thai và cho con bú.
Vậy nguyên nhân gây nứt đầu ti là gì? Cách điều trị ra sao? Mời bạn tìm hiểu cùng Đông Y Hằng Thu!
3 nguyên nhân gây nứt đầu nhũ hoa thường gặp
Những nguyên nhân phổ biến khiến núm vú bị nứt và đau rát, bao gồm:
1. Mang thai và cho con bú
Nội tiết thay đổi khi mang thai có thể khiến ngực căng đầy hơn. Điều này khiến vùng da núm vú và quầng vú bị kéo căng quá mức, làm xuất hiện các vết nứt nhỏ quanh khu vực này.
Mặt khác, các mẹ đang cho con bú cũng là đối tượng thường xuyên bị nứt và đau đầu nhũ hoa. Khi trẻ ngậm ti không đúng cách, vùng da nhạy cảm ở nhũ hoa và quầng vú có thể bị kích ứng và trầy xước, gây nứt đầu ti.
2. Ma sát quá nhiều gây nứt đầu nhũ hoa
Ma sát quá nhiều cũng có thể gây kích ứng và tạo ra các vết nứt ở núm vú. Trường hợp này thường xảy ra ở các vận động viên chạy bộ hoặc đạp xe đường dài. Họ có thể bị đau, nứt núm vú do mặc áo lót không vừa vặn và phải di chuyển nhiều. Vết nứt và cơn đau sẽ trở nên tệ hơn nếu họ sử dụng loại áo lót có chất liệu thô cứng hoặc hoạt động trong thời tiết lạnh.
Nứt đầu nhũ hoa do ma sát cũng có thể xảy ra ở những vận động viên lướt ván, do ván và nước biển cọ xát vào nhũ hoa trong khi luyện tập.
3. Nứt núm vú do dị ứng
Hiện tượng nứt đầu nhũ hoa cũng có thể do phản ứng dị ứng gây ra. Những chất gây dị ứng thường là hóa chất hoặc chất tạo mùi hương trong các sản phẩm như:
- Bột giặt hay nước giặt
- Nước xả
- Dầu gội đầu hoặc dầu xả
- Xà phòng hoặc sữa tắm
- Kem dưỡng da hoặc kem dưỡng ẩm
- Nước hoa.
Triệu chứng nứt đầu nhũ hoa
Tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng nứt đầu nhũ hoa có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên vú. Các triệu chứng thường khác nhau ở mỗi người, nhưng đặc trưng nhất là da bị nứt và đau ở nhũ hoa hoặc quầng vú. Một số triệu chứng khác bao gồm:
- Vùng da núm vú bị khô
- Đầu ti bị nứt, có thể rỉ hoặc chảy máu
- Đỏ da vùng vú
- Da bong tróc, đóng vảy quanh núm vú và quầng vú.
Mách bạn cách điều trị nứt đầu nhũ hoa tại nhà
Trong hầu hết trường hợp, bạn có thể giảm nhẹ triệu chứng khi áp dụng cách chữa nứt đầu vú tại nhà bằng một số phương pháp sau:
Cách chữa nứt đầu vú dành cho phụ nữ đang cho con bú
Để điều trị tình trạng nứt đầu ti, mẹ sau sinh có thể áp dụng các cách sau:
- Bôi thuốc mỡ không kê đơn vào núm vú sau khi cho con bú.
- Rửa lại đầu vú bằng nước ấm sau mỗi lần cho bé bú. Đắp gạc ẩm lên khu vực này sẽ giúp vết thương mau lành hơn.
- Nếu vú căng sữa và thường xuyên cảm thấy kích thích, hãy vắt một ít sữa ra và thoa nhẹ phần sữa này lên núm vú. Sữa mẹ có thể làm mềm núm vú và tăng khả năng kháng khuẩn cho vùng vú bị nứt. Ngoài ra, việc vắt sữa cũng sẽ làm giảm sự căng tức, khó chịu cho bầu vú.
- Bôi tinh dầu bạc hà pha loãng lên núm vú. Một nghiên cứu nhỏ đã chỉ ra rằng tinh dầu bạc hà có hiệu quả trong việc hỗ trợ quá trình chữa lành vết nứt ở núm vú.
- Sử dụng núm vú trợ ti để bảo vệ khu vực này trong quá trình lành vết nứt.
- Thay thế các sản phẩm có thể gây kích ứng thêm cho núm vú bằng các loại xà phòng và kem dưỡng da lành tính, không có chất tạo mùi và hóa chất.
Cách chữa nứt núm vú do ma sát
Bạn cần tạm ngưng một số hoạt động thể chất nhất định để vết nứt ở núm vú lành lại. Hãy cân nhắc các bài tập bổ sung khác để vừa duy trì hoạt động, vừa không gây kích ứng thêm cho vùng nhũ hoa.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thử các phương pháp chữa trị sau:
- Bôi kem sát khuẩn lên núm vú. Điều này giúp ngăn ngừa nhiễm trùng trong khi núm vú lành lại.
- Cân nhắc thoa kem trị nứt đầu ti không kê đơn (OTC) lên núm vú để tăng hiệu quả chữa lành vết thương.
- Che núm vú bằng một miếng gạc mềm để tránh bị kích ứng thêm.
- Tránh mặc áo làm từ chất liệu thô ráp.
- Phụ nữ nên chọn áo ngực vừa vặn, không mặc quá chật để tránh đè ép và gây kích ứng núm vú.
Các biến chứng của nứt đầu nhũ hoa
Nếu không được điều trị, nứt đầu nhũ hoa có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm hoặc nhiễm trùng vú. Nhiễm trùng vú nặng thường tụ mủ gây áp-xe, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt – vận động, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh có thể bị nấm miệng và lây qua mẹ trong lúc bú. Nếu bị nứt đầu ti, bạn có nhiều nguy cơ nhiễm trùng nấm candida từ trẻ.
Khi nào bạn nên gặp bác sĩ?
Bạn nên đi khám nếu các triệu chứng nứt đầu nhũ hoa không thuyên giảm hoặc tồi tệ hơn dù đã áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra khi núm vú rất đau rát hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng.
Những phụ nữ bị nứt đầu ti khi cho con bú nên nói chuyện với bác sĩ để được hỗ trợ hoặc được tư vấn về việc cho con bú đúng cách. Điều này rất hữu ích, giúp bạn giảm tổn thương và kích ứng vùng vú.
Trường hợp nứt đầu nhũ hoa do dị ứng, bạn cần đến gặp bác sĩ để tìm ra tác nhân gây dị ứng để hạn chế tiếp xúc với chất này. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm để xác định chất gây dị ứng tiềm ẩn.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu được nguyên nhân và cách điều trị tình trạng nứt đầu nhũ hoa hiệu quả. Núm vú và quầng vú là bộ phận nhạy cảm, dễ bị kích ứng. Do đó, bạn cần thật cẩn thận để tránh gây ma sát hoặc tác động mạnh đến khu vực này.